BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Ý NGHĨA VÀ CÁC ĐIỀU CẦN LƯU Ý

KHI LÀM LỄ TRONG NHÀ THỜ

 

 

              Thánh lễ Hôn phối hay Bí tích hôn phối là lễ cưới được tổ chức ở nhà thờ của người Công giáo. Đối với những cặp đôi theo đạo Thiên Chúa thì Thánh lễ Hôn phối mới là lễ cưới chính thức, còn lễ gia tiên ở nhà chỉ là nghi thức truyền thống của người Việt. Hôn nhân Công giáo là bí tích Chúa Giêsu đã lập để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ thành vợ chồng. Trước mặt Thiên ChúaHội thánh, cùng ban ơn giúp họ sống xứng đáng ơn gọi của mình. Khi một người nam và một người nữ kết hôn, họ trở thành vợ chồng theo luật tự nhiên. Hôn nhân của họ là một khế ước, có giá trị trước mặt Thiên Chúa.

 

 

              Đối với Người Công Giáo cử hành Bí Tích Hôn Phối trong ngôi thánh đường là một sự cần thiết về cả phương diện giáo luật và thiêng liêng về sự giao ước giữa hai người nam và nữ. Lời thề hứa mà cả hai trao cho nhau được thể hiện trước mặt Thiên Chúa qua sự chứng giám của vị Linh Mục – thừa tác viên đại diện Thiên Chúa và Giáo Hội, khi đó Bí Tích Hôn Phối không chỉ cho riêng hai người nam và nữ đó mà nó còn thể hiện sự giao ước liên kết giữa Thiên Chúa và Con Người, ở đây muốn nói đến Đức Kitô và Hội Thánh. Chúng ta hãy cùng tham khảo những điều cần lưu ý khi tổ chức Lễ Cưới trong nhà thờ sau đây nhằm chuẩn bị tốt hơn cho nghi thức quan trọng này.

 

 

                   Nội Dung Bài Viết

1.  Nghi thức Lễ Cưới trong nhà thờ là gì?

2.  Ý nghĩa của Lễ Cưới trong nhà thờ?

3.  Điều kiện để được làm Lễ Cưới trong nhà thờ?

4.  Cần chuẩn bị gì cho Lễ Cưới tại nhà thờ?

4.1 Trước khi làm Lễ Cưới trong nhà thờ.

4.2 Quá trình làm Lễ Cưới trong nhà thờ.

4.3 Sau khi hoàn thành Lễ Cưới trong nhà thờ.

5.  Cần lưu ý gì nếu muốn tổ chức Lễ Cưới trong nhà thờ?

        5.1 Chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết trước Lễ Cưới.

       5.2 Lưu ý quy định Rao Hôn Phối trước Lễ Cưới.

6. Trình tự nghi thức Thánh Lễ Hôn Phối trong nhà thờ.

7. Những thắc mắc về Kết Hôn với người Công Giáo thường gặp?

       7.1 Người Công Giáo có được Kết Hôn với người ngoại đạo không?

       7.2 Nghi thức Lễ Cưới theo Công Giáo cần bao nhiêu người?

       7.3 Lễ Cưới theo Công Giáo bắt buộc tổ chức trong nhà thờ?

       7.4 Chuẩn bị trang phục gì cho Lễ Cưới trong nhà thờ?

       7.5 Trang Trí Lễ Cưới trong nhà thờ như thế nào?

       7.6 Chụp hình Lễ Cưới trong nhà thờ thế nào cho đúng?

 

 

1.  Nghi thức Lễ Cưới trong nhà thờ là gì?

 

 

                 Trong Công Giáo Rôma, nghi thức Lễ Cưới trong nhà thờ được gọi là Bí Tích Hôn Phối hay là Bí Tích Hôn Nhân, đây là bí tích do Chúa Giêsu lập ra để tác hợp giữa một người nam và một người nữ nên vợ nên chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh, và ban ơn đặc biệt để giúp họ sống chu toàn nghĩa vợ chồng. Sự tác hợp này là duy nhất và vĩnh viễn trong suốt cuộc đời mỗi người Công Giáo đối với cuộc Hồn Nhân đó thông qua câu Kinh Thánh “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly", cụ thể là cam kết đơn hôn tức một vợ một chồng và vĩnh hôn nghĩa là vĩnh viễn.

 

 

 

2.  Ý nghĩa của Lễ Cưới trong nhà thờ?

 

 

                 Người Công Giáo tin rằng: Khi cặp đôi được Linh Mục cử hành Bí Tích Hôn Phối chính thức trước toàn thể cộng đoàn giáo dân khiến nó trở thành một giao ước vĩnh cửu giữa người nam và người nữ, cả hai sẽ được chúc phúc yêu thương, chung thủy với nhau suốt cả cuộc đời. Người Công Giáo luôn biết rằng Giáo Hội không công nhận một cuộc Hôn Nhân nếu chỉ Đăng Ký Kết Hôn như người ngoại đạo mà không lãnh nhận Bí Tích Hôn Nhân trong nhà thờ. Điều này đã được ghi rõ trong giáo luật “ Giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là bí tích " Giáo Luật, điều 1055, khoản 2 và “ Những người công giáo chưa chịu Bí Tích Thêm Sức, thì phải lãnh Bí Tích ấy trước khi được nhận Kết Hôn, nếu có thể được và không có khó khăn trầm trọng.” – Giáo Luật, điều 1065, khoản 1.

 

 

 

3.  Điều kiện để được làm Lễ Cưới trong nhà thờ?

 

 

                 Giáo hội Công Giáo xác định Hôn Nhân là một “bí tích” có tính chất thánh thiêng, vì vậy điều kiện để cử hành nghi thức Lễ Cưới trong nhà thờ cần có:

•  Cả hai người phải được tự do Kết Hôn, không chịu sức ép nào từ gia đình, người thân, các khoản khế ước vay nợ...

•  Cả hai không bị ràng buộc về Hôn Nhân với người nào khác. • Cả hai đủ tuổi Kết Hôn theo luật pháp mà từng quốc gia quy định.

•  Cả hai đều phải được rửa tội theo nghi thức Công Giáo.

•  Cả hai chưa lãnh nhận Bí Tích Hôn Nhân lần nào, nếu có chỉ trong trường hợp người chồng/vợ mình trước đây đã qua đời.

•  Hoàn thành chứng chỉ Giáo Lý Hôn Nhân thông qua giáo xứ hoặc giáo phận.

•  Không gặp các “ngăn trở" căn cứ theo quy định của Giáo Luật.

                  Người nào tiến hành nghi thức Bí Tích Hôn Nhân không theo Giáo Luật sẽ bị phạt vạ và những ai tham dự nghi thức này cũng phải chịu hình phạt tương tự.

 

 

 

4.  Cần chuẩn bị gì cho Lễ Cưới tại nhà thờ?

        4.1 Trước khi làm Lễ Cưới trong nhà thờ

 

 

                  Một cặp đôi sau thời gian tìm hiểu, yêu thương và quyết định tiến tới Hôn Nhân, đồng thời muốn lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối tại nhà thờ thì cả hai cần phải tiến hành các công việc theo danh sách sau:

•  Thông báo với phụ huynh, gia đình hai bên.

•  Xác định giáo xứ nơi muốn cử hành Hôn Lễ, bên Đàng Trai hay Đàng Gái đều được.

•  Xin gặp Cha quản xứ ít nhất 3 – 4 tháng trước Hôn Lễ để được hướng dẫn.

•  Định ngày tổ chức Lễ Dạm Ngõ, Lễ Đính Hôn, Lễ Cưới theo truyền thống.

•  Thực hiện Đăng Ký Kết Hôn theo quy định pháp luật.

•  Đăng ký học và lấy chứng chỉ Giáo Lý Hôn Nhân.

•  Cùng Cha quản xứ xác định ngày tổ chức Lễ Cưới trong nhà thờ phù hợp.

 

 

 

        4.2 Quá trình làm Lễ Cưới trong nhà thờ

 

 

                    Để chuẩn bị cho quá trình làm Lễ Cưới trong nhà thờ thì sau đây là danh sách những công việc cần thực hiện:

•  Thông báo với gia đình, bạn bè và những người muốn mời tham dự.

•  Cô Dâu Chú Rể may hoặc thuê trang phục dùng cho Lễ Cưới trong nhà thờ.

•  Lên ý tưởng Trang Trí Lễ Cưới tại nhà thờ đúng theo quy định.

•  Sắp xếp đội ngũ quay phim, chụp hình.

•  Làm theo hướng dẫn của Chủ Tế trong suốt quá trình thực hiện nghi lễ.

 

 

 

 

        4.3 Sau khi hoàn thành Lễ Cưới trong nhà thờ

 

 

                   Sau khi các nghi thức Lễ Cưới trong nhà thờ đã hoàn thành, bạn có thể thực hiện tiếp những điều sau đây:

•  Cùng gia đình chụp hình lưu niệm với Linh Mục chủ tế, thầy phó tế và những người đã hỗ trợ tiến hành Bí Tích Hôn Phối.

•  Ra về để tiếp tục thực hiện nghi thức Lễ Gia Tiên tại tư gia (nếu có).

•  Tổ chức bữa tiệc mừng cùng hai gia đình và các khách mời. 

               Sau khi hoàn thành các nghi thức Lễ Cưới tại nhà thờ hai gia đình cùng nhau trở về nhà thực hiện tiếp tục Lễ Gia Tiên tại tư gia nếu có tổ chức. Vậy Lễ Gia Tiên Theo Nghi Thức Công Giáo diễn ra trình tự như thế nào là chu đáo. Hai bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nha:  

 

Lễ Gia Tiên Công Giáo Nên Thực Hiện Theo Trình Tự Như Thế Nào Là Chuẩn? 

 

 

 

 

5.  Cần lưu ý gì nếu muốn tổ chức Lễ Cưới trong nhà thờ?

        5.1 Chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết trước Lễ Cưới

 

 

                  Cô Dâu Chú Rể cần lưu ý chuẩn bị các loại giấy tờ sau đây chậm nhất là 03 tuần trước ngày cử hành nghi thức Lễ Cưới trong nhà thờ:

•  Giấy chứng nhận Rửa Tội hay Sổ Gia Đình Công Giáo.

•  Giấy chứng nhận Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu.

•  Giấy chứng nhận Bí Tích Thêm Sức.

•  Chứng chỉ đã học Lớp Giáo Lý Hôn Nhân.

•  Giấy Rao Hôn Phối.

•  Giấy Đăng Ký Kết Hôn.

•  Quyết Định Ly Hôn, Giấy Khai Tử, hoặc xác nhận tiêu hôn của Tòa Án Hôn Phối.

•  Thư giới thiệu của Cha chánh xứ nơi hai người cư ngụ nếu Lễ Cưới tổ chức ở giáo xứ khác.

 

 

 

 

        5.2 Lưu ý quy định Rao Hôn Phối trước Lễ Cưới

 

 

                 Khi cả hai cùng gia đình đến liên hệ với giáo xứ để được hướng dẫn về Thủ Tục Hôn Phối (thường là 3 – 4 tháng trước Lễ Cưới) thì Cha sở sẽ thụ lý Hồ Sơ Hôn Phối và cho các bạn điền Tờ Khai Hôn Phối, sau đó Cha lập Tờ Rao Hôn Phối và rao liên tiếp 03 tuần (vào ngày Chúa Nhật) ở cả hai bên giáo xứ nhằm điều tra xem cuộc Hôn Nhân này có sai luật hay gặp phải ngăn trở nào không.

 

 

               Thủ tục Rao Hôn Phối diễn ra như sau:

•  Cả hai đến xin Đăng Ký Hôn Phối, ở bên Đàng Trai hoặc Đàng Gái đều được, muốn làm Lễ Cưới bên nào thì đăng ký bên ấy.

•  Trình diện (gặp) Cha sở cùng với Cha Mẹ hoặc những người thân nhất như Anh Chị, Cô Dì, Chú Bác...

•  Xuất trình các loại giấy tờ cần chuẩn bị đầy đủ như hướng dẫn phía trên.

•  Cả hai tự điền vào Tờ Khai Hôn Phối. Người ở giáo xứ bên kia xin Cha xứ chứng thực rồi mang tờ khai cùng giấy giới thiệu đưa sang cho Cha xứ bên này.

•  Cha xứ và gia đình xác định thời gian, địa điểm xin làm Lễ Cưới kết hợp với buổi lễ theo phong tục truyền thống và Tiệc Cưới để thuận lợi cho các bên.

•  Cha xứ bên này lập Tờ Rao Hôn Phối đồng thời gửi cho cha xứ bên kia. Sau 03 tuần hai bên cùng rao liên tiếp xem tình trạng của đôi bạn có điều gì ngăn trở hay không. Trường hợp cử hành Lễ Cưới ở nơi khác thì Cha xứ sẽ gửi giấy giới thiệu kèm với Tờ Rao Hôn Phối đến nơi đó.

•  Nếu hồ sơ chưa đủ (chưa có chứng chỉ Giáo Lý Hôn Nhân, chưa có giấy Đăng Ký Kết Hôn) thì hai bạn cứ điền Tờ Khai Hôn Phối và xin đăng ký ngày giờ Lễ Cưới sẵn (trước 3 – 4 tháng), sau đó bổ túc giấy tờ ít nhất 03 tuần trước Lễ Cưới để kịp rao 03 lần.

               

 

 

                  Sau khi được chấp thuận tổ chức Hôn phối

•  Tập Nghi thức Hôn phối vài ngày trước lễ cưới, đem theo Sổ Gia đình Công giáo mới: ghi đầy đủ lý lịch.

•  Nộp lại Tờ rao Hôn phối từ xứ bên kia.

• Bổ túc giấy tờ, nếu còn thiếu.

• Liên hệ với nhà thờ v/v ca đoàn, hoa, nến, trang trí....

• Xưng tội, nếu đã quá 1 tháng , nên thưa là sẵn sàng chuẩn bị lễ cưới, để cha giải tội có lời khuyên thích hợp.

 

 

 

6.  Trình tự nghi thức Thánh Lễ Hôn Phối trong nhà thờ

 

 

          Trình tự nghi thức Thánh Lễ Hôn Phối.

•  Nghi Thức Đầu Lễ

       – Chào chúc.

       – Lời nguyện nhập lễ.

•  Phụng Vụ Lời Chúa

       – Bài đọc 1.

       – Đáp ca (Ca đoàn).

       – Bài đọc 2.

       – Alleluia, Phúc âm (Ca đoàn).

      – Tin mừng.

•  Nghi Thức Hôn Phối.

      – Bảy tỏ sự ưng thuận.

      – Tiếp nhận sự ưng thuận.

      – Làm phép và trao nhẫn.

      – Lời nguyện tín hữu.

•  Phụng Vụ Thánh Thể.

      – Dâng bánh.

      – Dâng rượu.

      – Lời nguyện tiến lễ.

      – Kinh tiền tụng Lễ Hôn Phối 1,

      – Kinh tiền tụng Lễ Hôn Phối 2.

      – Kinh nguyện Thánh Thể 2.

•  Nghi thức hiệp lễ.

     – Hiệp lễ.

     – Lời nguyện kết lễ.

• Phép lành cuối lễ.

 

 

 

7.  Những thắc mắc về Kết Hôn với người Công Giáo thưởng gặp?

        7.1 Người Công Giáo có được Kết Hôn với người ngoại đạo không?

 

 

                 Nhiều người cho rằng Giáo Hội không cho người Công Giáo Kết Hôn với người ngoài đạo, đây là một quan điểm hoàn toàn sai bởi vì Giáo Hội luôn tôn trọng tình yêu giữa người nam và người nữ, tôn trọng sự tự do trong tình yêu và không bao giờ sự kỳ thị về tôn giáo, màu da, ngôn ngữ... Vì thế Giáo Hội tạo điều kiện cho người Công Giáo được kết Hôn với những người chưa được rửa tội nếu họ yêu nhau thông qua phép chuẩn mà không vi phạm luật về Bí Tích Hôn Phối. Để có được phép chuẩn cần điều kiện như sau:

•  Cả hai cần có sự hiểu biết, chấp nhận mục đích và đặc tính của Hồn Nhân theo Công Giáo.

•  Phía người Công Giáo cam kết giữ vững đức tin, đảm bảo các con được rửa tội và giáo dục trong Hội Thánh Công Giáo, phía người ngoài Công Giáo cũng cần biết rõ những điều ấy.

 

 

 

 

        7.2 Nghi thức Lễ Cưới theo Công Giáo cần bao nhiêu người?

 

 

                 Trong của bộ luật 1983 của Giáo Hội, có quy định về việc Kết Hôn như sau: “Hôn Nhân chỉ thành sự khi được kết ước trước mặt vị chứng hôn, là Đấng Bản quyền địa phương hay Cha sở, hoặc một Tư Tế hay một Phó Tế đã được một trong hai vị trên ủy quyền, và trước mặt hai nhân chứng”. Như vậy khi thực hiện nghi thức Kết Hôn phải có sự hiện diện của ít nhất 5 người, bao gồm:

•  Hai người kết ước Hôn Nhân (Cô Dâu Chú Rể).

•  Vị chứng hôn có năng quyền.

•  Hai người làm chứng.

 

 

 

         7.3 Lễ Cưới theo Công Giáo bắt buộc tổ chức trong nhà thờ?

 

 

                 Lễ Cưới giữa hai người Công Giáo hoặc giữa một người Công Giáo và một người ngoại đạo đã được Rửa Tội (Hôn Nhân hỗn hợp) phải được tiến hành trong nhà thờ giáo xứ. Trường hợp tiến hành ở một nhà thờ khác hay nhà nguyện thì phải có sự đồng ý của Đấng Bản quyền địa phương hay của Cha sở. Nếu Lễ Cưới diễn ra tại một nơi khác ngoài nhà thờ, nhà nguyện như nhà riêng, khách sạn, địa điểm du lịch... phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương.

                 Lễ Cưới giữa một người Công Giáo và một người ngoại đạo không được Rửa Tội (Hôn Nhân dị giáo) có thể cử hành trong nhà thờ hoặc một nơi thích hợp khác do không có phẩm giá bí tích. Vì vậy, Cha sở có thể cử hành Hôn Nhân khác đạo tại nhà riêng, khách sạn, địa điểm du lịch... khi phía người lương không muốn đến nhà thờ mà không cần phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương.

 

 

 

        7.4 Chuẩn bị trang phục gì cho Lễ Cưới trong nhà thờ?

 

 

                 Làm Lễ Cưới trong nhà thờ mặc gì? Thực tế nhà thờ không đề ra quy định cụ thể về trang phục dành cho Cô Dâu Chú Rể, tuy nhiên ở chốn thiêng liêng thì trang phục cần phải nghiêm túc và kín đáo. Đối với Cô Dâu nên chọn Áo Dài Cưới truyền thống hoặc váy cưới gọn gàng, còn Chú Rể nên mặc vest, có thể thắt cà vạt hoặc đeo nơ.

                Trường hợp bạn chuẩn bị dự Lễ Cưới nhà thờ không biết phải mặc gì? Chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý như sau: Nếu là Nam nên chuẩn bị quần tây, áo sơ mi hoặc khoác áo vest cho lịch sự, còn đối với Nữ chọn trang phục áo dài truyền thống là tốt nhất hoặc các loại váy đầm dài qua đầu gối, trường hợp áo bị hở vai hoặc cổ thì chuẩn bị thêm áo khoác hoặc khăn choàng giúp che chắn cho kín đáo, thanh lịch.

 

 

 

        7.5 Trang Trí Lễ Cưới trong nhà thờ như thế nào?

 

 

                Thánh đường là nơi tôn nghiêm và mỗi giáo xứ sẽ có những quy định riêng cho nên đối với việc trang trí Lễ Cưới trong nhà thờ thì bạn phải cẩn trọng và tinh tế, tốt nhất gặp riêng Cha sở để đề bạt nguyện vọng. Bạn hãy trình bày mẫu trang trí mong muốn thực hiện cho Ngài xem và hỏi ý kiến của Ngài về những khu vực, chi tiết nào thì được phép trang trí, nhất là khi bạn có những ý tưởng trang trí mới lạ so với các Lễ Cưới khác. Thông thường để chuẩn bị cho Lễ Cưới trong nhà thờ, người ta sẽ trang trí các khu vực như sau:

•  Trang trí lối vào nhà thờ.

•  Trang trí cổng vào nhà thờ.

•  Trang trí ghế hội trường.

•   Trang trí lối vào thánh đường.

•   Trang trí xung quanh khu vực làm lễ.

•  Trang trí các vật dụng trên bàn thờ.

 

 

 

        7.6 Chụp hình lễ cưới trong nhà thờ thế nào cho đúng?

 

 

                Việc ghi hình buổi Lễ Cưới rất quan trọng vì thế cả hai cần dặn dò đội ngũ cách quay phim, chụp hình Lễ Cưới trong nhà thờ như thế nào cho đúng, tránh phạm vào quy định của giáo xứ đến lúc bị yêu cầu ngưng tác nghiệp hay yêu cầu ra ngoài thì lại trách sao các Cha khó tính. Sau đây là những điều cần lưu ý khi quay phim, chụp hình tại nhà thờ:

•  Quay phim, chụp hình phải hạn chế hết mức việc di chuyển.

•  Tuyệt đối không được lên các bục Cung Thánh.

•  Khi tác nghiệp không làm chia trí người tham dự (ồn ảo, dùng flash...).

•  Không đúng che chắn và gây cản trở các hành vi phụng vụ.

•  Ngoài ra cấm người nhà tự phát dùng các thiết bị, điện thoại để quay phim, chụp ảnh.

 

 

                   Thông qua bài viết " Bí tích hôn phối ý nghĩa và những điều cần lưu ý khi tổ chức Lễ Cưới trong nhà thờ ", Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim Biên Hòa hy vọng có thể mang đến cho hai bạn các thông tin cần thiết về ý nghĩa cũng như trình tự của Thánh Lễ Hôn Phổi và những điều nên chuẩn bị để buổi lễ diễn ra một cách suôn sẻ, thành công. Bạn hãy nhờ Cha Mẹ, anh chị tư vấn thêm nhiều kinh nghiệm thực tế và liên hệ với giáo xứ nơi hai bạn muốn tổ chức để được hướng dẫn thêm. Ngoài ra, là một người Công Giáo thì bên cạnh việc tổ chức Thánh Lễ Hôn Phối trong nhà thờ, bạn cũng cần tìm hiểu thêm bài viết:

Lễ Gia Tiên Công Giáo Nên Thực Hiện Theo Trình Tự Như Thế Nào là Chuẩn ?

 

Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim Biên Hòa

 

 

Tin tức khác