LỄ THÀNH HÔN, LỄ TÂN HÔN, LỄ VU QUY

NÊN HIỂU NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG ?

 

 

              Từ xa xưa, Lễ Cưới Hỏi luôn được xem là một nghi thức thiêng liêngquan trọng trong đời sống người Việt. Mỗi nghi lễ trong hôn nhân đều mang những ý nghĩa và nét đẹp văn hóa riêng, góp phần tạo nên bản sắc độc đáo cho phong tục tập quán của dân tộc. Tuy nhiên, nhiều người thường nhầm lẫn giữa các Lễ Vu Quy, Tân Hôn và Thành Hôn . Việc phân biệt rõ ràng các lễ nghi này không chỉ thể hiện sự hiểu biết văn hóa mà còn giúp cho việc tham dự và tổ chức các lễ cưới được trọn vẹn ý nghĩa hơn.

              Trong đời sống hàng ngày cũng vậy, có đôi khi chúng ta đi ngang qua một nhà đang có Đám Cưới rình rang. Hay nhận được một tấm thiệp cưới và khi đến dự một Tiệc Cưới... chúng ta thường nhìn thấy các cụm từ quen thuộc Lễ Đính Hôn, Lễ Tân Hôn, Lễ Vu Quy, Lễ Thành Hôn mà không biết nên hiểu như thế nào là đúng? Không riêng gì bạn mà ngay cả Cô Dâu Chú Rể sắp cưới, khi quyết định tổ chức Đám Cưới mới bắt đầu tìm hiểu về sự khác biệt này. Hãy Cùng Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim đi tìm câu trả lời chuẩn xác nhất nhé !

 

 

 

 

                            Nội Dung Bài Viết

1. Nên hiểu Tân Hôn - Vu Quy - Thành Hồn thế nào cho đúng.

2. Tân Hồn là gì?

3. Vu Quy là gì?

4. Thành Hôn là gì?

5. Lễ Tân Hôn dùng trong trường hợp nào?

6. Lễ Vu Quy dùng trong trường hợp nào?

7. Lễ Thành Hôn dùng trong trường hợp nào?

8. Cần lưu ý gì trong cách sử dụng từ ngữ?

 

 

 

1. Nên hiểu Tân Hôn - Vu Quy - Thành Hôn thế nào cho đúng

 

 

             Vốn là những từ ngữ chuyên dùng khi Tổ Chức Cưới Hỏi, các từ ghép Thành Hôn, Tân Hôn, Vu Quy thường xuất hiện ở trên thiệp cưới, cổng hoa, bảng chữ, chữ dán tường, phông nền backdrop, bánh kem cưới, nhãn tem của chai nước suối... Từ đây, chúng ta có thể nhận thấy mật độ xuất hiện của những cụm từ Lễ Thành Hôn, Lễ Tân Hôn, Lễ Vu Quy tương đối dày đặc, nên việc hiểu chúng và sử dụng sao cho đúng tính chất của buổi lễ là rất quan trọng.

 

 

 

 

2. Tân Hôn là gì?

 

 

             Trong bộ “Hán – Việt từ điển” của Đào Duy Anh xuất bản năm 1932, giải thích “Tân” có nghĩa là mới, còn chữ “Hôn” nguyên nghĩa là chiều hôm. Theo tục lệ xưa, người ta tổ chức Lễ Cưới và đi đón dâu vào buổi chiều tối, cứ đúng ngày đã định, chọn được giờ hoàng đạo Nhà Trai mới bắt đầu xuất phát. Giờ hoàng đạo đẹp nhất thường là buổi chiều, hoặc có nơi còn đón dâu vào chập tối. Vì thế, “Tân Hôn” được hiểu là lễ đi đón Cô Dâu mới vào buổi chiều, người dẫn đầu đoàn đón dâu là một cụ già được dân làng kính nể đóng vai trò vị Chủ Hôn Nhà Trai. Ngoài ra, từ “Hôn Lễ” cũng có cùng ý nghĩa như trên, tức là buổi Lễ Cưới lúc hoàng hôn.

 

 

 

 

3. Vu Quy là gì?

 

 

Từ Hán Việt vốn có nhiều nghĩa, trong đó “Vu” mang một nghĩa là đi, còn “Quy” có nghĩa theo về, nương về. Khi ghép thành “Vu Quy” mang nghĩa con gái đi lấy chồng, ý này được thể hiện qua câu “Chi tử Vu Quy, Bách lạng tương chi” dịch là “Cô ấy về nhà chồng, trăm cỗ xe đưa tiễn”. Như vậy đã rõ rằng người xưa dùng từ “Vu Quy” để chỉ việc nhà có con gái đi lấy chồng, ngay từ thời xưa đã có nhiều tác phẩm thơ cổ đề cập đến chuyện “Vu Quy” chẳng hạn bài thơ Đào Yêu 1 trong quyển Kinh Thi nội dung như sau:

               Bài Thơ: Đào yêu 1

Đào chi yêu yêu

Chước chước kỳ hoa

Chi tử vu quy

Nghi kỳ thất gia

 

Dịch là:

Đào tơ khoe dáng xinh tươi

Hoa hồng đương nở, nụ xuân đương mầm

Hôm nay nàng đã theo chồng

Yên bề gia thất ấm nồng êm vui

               Tuy nhiên một số nguồn tư liệu xa xưa lại cho rằng nếu chàng trai mà qua Nhà Gái làm rể, ở rể thì cũng gọi là “Vu Quy”.

 

 

 

4. Thành Hôn là gì?

 

 

             Theo định nghĩa của bộ "Hán Việt tân từ điển" do Nguyễn Quốc Hùng biên soạn và NXB Khai Trí phát hành năm 1975, từ “Thành Hôn" nghĩa là làm Lễ Cưới để chính thức nên vợ nên chồng. Trong suốt thời gian dài, “Thành Hôn" được hiểu và sử dụng giống như Kết Hôn, Hôn Lễ thưởng dùng cho các buổi Lễ và Tiệc ở bên phía Nhà Trai hoặc tiệc do cả hai nhà cùng tổ chức, chứ Nhà Gái tuyệt đối không sử dụng riêng. Nghĩa là nếu nghe Lễ Thành Hôn có thể hiểu đây là buổi Lễ bên Nhà Trai, hoặc nói Tiệc Thành Hôn cũng có nghĩa là tiệc cưới bên Nhà Trai, hay cả hai bên cùng tổ chức.

 

`

 

 

5. Lễ Tân Hôn dùng trong trường hợp nào?

 

 

Lễ Tân Hôn là gì? Lễ Tân Hôn được hiểu quá trình thực hiện Lễ Cưới tại Nhà Trai, cụm từ Lễ Tân Hôn sẽ được sử dụng trên bảng chữ gắn ở cổng hoa, các chữ dán trên tưởng, phông màn, cũng như xuất hiện trên bất kỳ chi tiết trang trí nào tại Nhà Trai (nếu có). Khi đã đón dâu về, trong phần Lễ Cưới tại Nhà Trai cặp đôi sẽ cùng nhau thực hiện nghi thức báo cáo Ông Bà tổ tiên, sau đó Cô Dâu dâng trà để bái kiến gia đình Nhà Trai. Nếu sau đó Nhà Trai có tổ chức tiệc chiêu đãi mà phần lớn là để mỏi khách khứa và mối quan hệ bên Nhà Trai thì gọi là Tiệc Tân Hôn.

 

 

 

6. Lễ Vu Quy dùng trong trường hợp nào?

 

 

 

Lễ Vu Quy là gì? Lễ Vu Quy được hiểu là quá trình thực hiện Lễ Cưới tại Nhà Gái, theo đó cụm từ “Lễ Vu Quy” được sử dụng trong tất cả các chi tiết trang trí bên phía Nhà Gái, bao gồm: bảng chào mừng, cổng hoa, phông màn, chữ dán tường... Trong Lễ Vu Quy, cặp đôi cùng nhau thực hiện nghi thức gia tiên để Cô Dâu xin phép Ông Bà tổ tiên cho con đi lấy chồng, cũng như Chú Rể xin được chấp nhận như một thành viên mới trong nhà. Sau đó Cô Dâu sẽ dâng trà cho Ông Bà, Cha Mẹ để chào từ biệt, hay còn được xem là hình thức ngắn gọn của Lễ Xuất Giá.

 

 

            Trong trường hợp, Nhà Gái muốn tổ chức tiệc để chiêu đãi riêng cho bà con dòng họ thì nên làm trước một ngày. Buổi tiệc này được gọi là Tiệc Vu Quy, hay tiệc nhóm họ Nhà Gái, có Chú Rể tham dự nhưng không có gia đình Nhà Trai. Tiệc Vu Quy có thể được hiểu là buổi tiệc mà gia đình và bạn bè chia tay thời độc thân của Cô Dâu. Ngay khuya đó, gia đình sẽ làm Lễ Xuất Giá cho kịp ngày mai cô gái theo chồng, còn Chú Rể thì về lại bên Nhà Trai để sáng còn đi cùng đoàn rước dâu.

 

 

 

7. Lễ Thành Hôn dùng trong trường hợp nào?

 

 

Lễ Thành Hôn là gì? Lễ Thành Hôn thường được nhìn thấy trên những tấm thiệp mời cưới mà hai gia đình gửi đến những khách mời. Bên trong mỗi tấm thiệp bao gồm hai nội dung: Nội dung thứ nhất, thông báo về nghi lễ truyền thống tổ chức tại gia. Nội dung thứ hai, mời tham dự buổi tiệc thân mật, buổi tiệc đó gọi là Tiệc Thành Hôn. Tiệc Thành Hôn thường được tổ chức ở một địa điểm trung lập như tại nhà hàng, trong buổi tiệc này sẽ có khách mời của cả hai bên gia đình. Vì thế, cụm từ “Lễ Thành Hôn” cũng sẽ xuất hiện trong các chi tiết trang trí tại nhà hàng bao gồm: bảng thông tin chào mừng, phông màn sân khấu, menu bàn tiệc...

 

 

 

8. Cần lưu ý gì trong cách sử dụng từ ngữ

 

 

             Để chuẩn bị cho một đám cưới chu toàn, các cặp đôi và cả hai bên gia đình thường rất mất rất nhiều thời gian và tâm huyết để chuẩn bị. Sau buổi lễ cầu hôn lãng mạn, cả hai đã phải bắt tay ngay vào kế hoạch tổ chức đám cưới như: chọn ngày tốt, chụp ảnh cưới, may thuê áo cưới, chuẩn bị cho các nghi lễ truyền thống như: dạm ngõ, đám hỏi. Chính vì vậy để mọi thứ diễn ra suông sẻ, hai bạn nên chú ý đến cách sử dụng hai từ ngữ này. Điều tưởng chừng rất nhỏ, nhưng đôi lúc lại dễ gây hiểu lầm, đặc biệt là với cô dâu chú rể ở hai vùng miền khác nhau. Thậm chí là quan khách cũng có thể thắc mắc, vì thành hôn và tân hôn là hai từ rất hay sử dụng trên thiệp mời cưới.

 

 

             Với Lễ Thành Hôn, hai bên gia đình cần trao đổi và thống nhất kiểu chữ trên thiệp cưới. Thậm chí để dễ dàng trong việc đón tiếp, chúng ta có thể chia sảnh nhà hàng thành từng khu vực nhà trai và nhà gái riêng để dễ dàng phục vụ. Hoặc để tạo tinh thần gắn kết, các bạn cũng có thể sắp xếp tùy ý, miễn sao tạo được sự thoải mái cho khách mời tham dự.

 

 

            “Tiên học Lễ, hậu học Văn", người Việt chúng ta từ xưa đến nay vốn xem trọng lễ nghĩa, thành ra lại hay bắt bẻ câu từ, mời thiệp mà ghi không rõ ràng thể nào cũng bị càm ràm (mắng vốn). Câu chuyện sau được một Cô Dâu chia sẻ dựa trên kinh nghiệm xương máu:

Đại ý như sau, trước Đám Cưới năm tuần bên Nhà Gái có giỗ lớn, giỗ cũng cần mời thiệp nên hai gia đình kết hợp in luôn thiệp mời cưới và thiệp mời giỗ, vừa thuận tiện mà vừa tiết kiệm tiền. In xong cũng tiến hành viết và gửi thiệp rất sớm, bởi sớm quá nên thành ra lại có chuyện, đó là vì các ông bà ở quê rảnh hay mở thiệp ra xem, xem nhiều lần thì hóa săm soi.

            "Ủa sao nhà mày bên gái mà cho làm cái thiệp kỳ vậy?" Ba Cô Dâu mới sáng sớm bốc máy nghe điện thoại dưới quê gọi lên, chưa kịp chào hỏi là bị ông Cậu la cho một chặp. “Sao ghi là Lễ Thành Hôn? Người ta ở dưới quê gốc rạ đây mà còn tổ chức cho con gái được cái Lễ Vu Quy, nhà mày ở thành phố mà làm kỳ vậy?". Lật đật mở thiệp ra coi thì đúng là làm gấp rút nên ghi lộn thiệt, mà giờ thiệp cưới hai bên gia đình cũng đã gửi gần hết. Bên Nhà Trai người ta cũng quýnh quáng không biết làm thế nào, hỏi rằng có bỏ quá được không do cũng cận Ngày Cưới rồi.

            Rồi dưới quê gọi lên mấy chặp nữa, Ba Cô Dâu ra tối hậu thư “Một là in lại thiệp mới, hai là hủy không có Cưới Hỏi gì hết", ghi thiệp vậy `người dưới quê họ không đi. Cô Dâu khóc bù lu bù loa sưng mắt, Chú Rể mặt mũi xanh xao... Nhưng may mắn thay, Cha Mẹ bên Nhà Trai hiền lành, cũng chịu khó cho đi in lại, rồi cất công gửi thiệp lần nữa, chứ ông bà sui gia mà "nóng" lên thì không rõ tình duyên đôi trẻ ra sao. Tưởng là chuẩn bị công chuyện Đám Cưới xong sớm, cuối cùng vì mấy cái chữ nghĩa khiến cho hai gia đình sất bất sang bang.

 

 

            Như vậy qua bài viết này, Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim tin rằng bạn đã biết nên hiểu Tân Hôn, Vu Quy, Thành Hôn thế nào là đúng rồi. Hãy áp dụng vào trong Đám Cưới của mình bằng những từ ngữ phù hợp nhằm tránh đi những rắc rối không đáng có như câu chuyện của Cô Dâu ở trên nhé!

 

Tin tức khác