QUY TRÌNH RƯỚC DÂU CHI TIẾT THEO PHONG TỤC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

 

                   Để bước đến chặng đường cuối cùng trước khi đám cưới diễn ra thì các cặp đôi phải trải qua nghi thức rước dâu. Lễ Rước Dâu được xem như một nghi thức quan trọng và gồm nhiều chi tiết nhất trong các nghi lễ cưới truyền thống. Trình tự tại hai nhà trai và gái sẽ khác nhau nhưng cùng chung mục đích là để thông báo với ông bà tổ tiên về việc con cháu đi lấy chồng cũng như là rước nàng dâu mới về với gia đình.

 

 

                    Lễ Rước Dâu, là buổi lễ cuối cùng trong 03 nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt ngày nay cần được tổ chức một cách chu đáo với đầy đủ thủ tục. Hai bạn nên dành chút thời gian tìm hiểu thêm bài viết: Trình tự tổ chức Đám Cưới gồm những gì? Bài viết sẽ giúp cho hai bạn có thêm cái nhìn tổng quát hơn về cách tổ chức cả Đám Cưới hai bên nói chung. Thêm vào đó là một số kinh nghiệm của Nhà Tiệc Cưới Hoàng Kim chia sẽ hi vọng sẽ giúp đôi bạn trẻ tổ chức Lễ Rước Dâu suôn sẽ, thuận lợi. Và hơn hết đám cưới hai cả bên gia đình đều vui vẻ, viên thành, mĩ mãn.

 

 

                                              Quy Trình tổ chức rước dâu gồm những gì?

           1.   Trình tự rước dâu ở Nhà Gái (Lễ Vu Quy)

                  1.1 Nhà Trai tập trung đầy đủ tại Nhà Gái.

                  1.2 Nhà Trai xin làm Lễ Nhập Gia.

                  1.3 Nhà Trai trao quả cho Nhà Gái.

                          1.4 Nhà Trai chào hỏi, giới thiệu, trình quả.

                          1.5 Nhà Trai làm Lễ Xin Dâu.

                          1.6 Thực hiện Lễ Gia Tiên Nhà Gái.

                          1.7 Lễ Dâng Trà cho bậc trưởng bối.

                          1.8 Nhà Trai tiến hành Lễ Rước Dâu.

 

        2.   Trình tự Lễ Cưới ở Nhà Trai (Lễ Tân Hôn)

                          2.1 Nhà Trai thực hiện Lễ Đón Dâu.

                          2.2 Cô Dâu trình diện Nhà Trai.

                         2.3 Lễ Gia Tiên tại Nhà Trai.

                         2.4 Lễ Dâng Trà cho bậc trưởng bối.

                         2.5 Cô Dâu Chú Rể thăm phòng cưới.

 

 

          1.   Trình tự rước dâu ở Nhà Gái ( Lễ Vu Quy )

     

         

                Lễ Cưới ở Nhà Gái hay còn gọi là Lễ Vu Quy, là quá trình hai bên gia đình thực hiện các thủ tục nghi lễ để đón Cô Dâu về bên nhà chồng. Hai bạn nên tham khảo thêm bài viết : Lễ Vu Quy nhà gái nên cần chuẩn bị gì để đám cưới thêm phần hoàn hảo? Để có được có thêm được nhiều thông tin bổ ích giúp đám cưới, tổ chức được suôn sẽ và trọn vẹn hơn.

 

 

 

 

                      1.1 Nhà Trai tập trung đầy đủ tại Nhà Gái

 

                Dựa trên những điều mà hai gia đình đã thỏa thuận vào buổi Lễ Đính Hôn. Nhà Trai theo ngày lành, tháng tốt, giờ đẹp khởi hành đi rước dâu. Tất cả mọi người cùng tập trung ở vị trí trước nhà gái, với khoảng cách vừa phải, trung bình là từ 100m – 200m. Tại đây, gia đình nhà trai sẽ chuẩn bị đội hình, đội ngũ sắp xếp theo thứ tự, chỉnh tề trang phục, kiểm tra sính lễ cưới hỏi lần cuối, chờ đến giờ hoàng đạo để xin làm Lễ Nhập Gia.

 

 

               Để tránh xảy ra sai sót không đáng có, nhà trai nên tập trung sớm từ 15 – 30 phút sẽ tốt hơn là sát giờ mới đến. Trước đó, nhà gái cắt cử người theo dõi và thông báo, nhà Trai vừa tới sẽ báo tin cho nhà gái cũng sửa soạn mọi thứ ổn thỏa chuẩn bị đón tiếp.

 

 

                     1.2 Nhà Trai xin làm Lễ Nhập Gia

                Vị Chủ Hôn Nhà Gái cùng với dàn bưng quả nữ và một số người có nhiệm vụ đón tiếp sẽ đứng chờ sẵn ở trước cổng hoa. Lúc này, chỉ có vị Chủ Hôn Nhà Trai cùng một anh phụ rễ bưng khay rượu tiến vào làm thủ tục, còn lại toàn bộ gia đình Nhà Trai đứng ngoài chờ đợi. Chủ Hôn.

 

                Nhà Trai vào tới bên trong chào hỏi các Ông các Bà và bà con họ Nhà Gái xong. Liền phát biểu xin phép nhà gái cho nhà trai được vào nhà để thực hiện tiếp các bước sau. Qúa trình này gọi là Lễ Nhập Gia. Nếu Nhà Gái đồng ý, sẽ đáp lời rằng chấp thuận, khi ấy phụ rể sẽ rót rượu ra hai cái chung (loại ly nhỏ) mời hai vị Chủ Hôn.

 

 

 

                   1.3 Nhà Trai trao quả cho Nhà Gái

                Vị Chủ Hôn Nhà Trai cùng rể phụ quay trở ra, thông báo cho phái đoàn Nhà Trai đang chờ đợi biết rằng đã được đồng ý vào làm lễ. Mọi người theo thứ tự lần lượt di chuyển đến trước cổng hoa thì dừng lại chuẩn bị cho nghi thức trao quả.

 

              Dàn bưng quả nam tiến đến đứng ở vị trí đổi xứng với dàn bưng quả nữ, lúc này nên theo sự hướng dẫn của đội ngũ quay phim, chụp hình để hình ảnh lễ rước dâu được đẹp hơn. Hai bên tiến hành nghi thức trao mâm quả, sau đó cùng lùi về vị trí cũ tạo thành một lối đi ở giữa, Nhà Trai sẽ theo lối đó để vào bên trong nhà. Sau khi người lớn hai bên đã vào hết, dàn bưng quả nữ mới đi theo sau, đặt quả vào vị trí được hướng dẫn.

 

 

                1.4 Nhà Trai chào hỏi, giới thiệu, trình quả

 

 

              Sau khi hai gia đình có chỗ ngồi ổn định, mọi người giữ yên lặng để vị Chủ Hôn nhà trai đứng lên đại diện phát biểu. Đầu tiên là giới thiệu thành phần tham dự của họ nhà trai từ người có vai vế lớn nhất đến nhỏ, Chủ Hôn nhà gái cũng đáp lại bằng hành động tương tự, giới thiệu các thành viên nhà gái.

 

             Kế đến, nhà trai sẽ giới thiệu mục đích của buổi lễ hôm nay, xin phép được trình lên Ông Bà các mâm quả sính lễ. Phía nhà gái sẽ có người lên đại diện nhận quả, thường là Mẹ của Cô Dâu, hoặc do chính vị Chủ Hôn Nhà Gái thay mặt nhận giúp.

 

 

 

 

                1.5 Nhà Trai làm Lễ Xin Dâu

            Nhà Trai mở lời xin phép Nhà Gái cho Cô Dâu được trình diện hai họ. Khi ấy, tùy thuộc vào từng gia đình mà Cô Dâu xuất hiện cùng với Mẹ, hai mẹ con cùng dắt tay nhau bước ra, hoặc Chú Rể vào phòng đón Cô Dâu ra.

 

            Ra tới nơi, Cô Dâu khoanh tay, cúi đầu chào hai họ, sau đó đứng ở phía bên phải, miệng cười tươi tắn, còn Chú Rể đứng bên trái, sau đó vị Chủ Hôn sẽ chủ trì hướng dẫn hai bạn trao bông, trao Nhẫn Cưới cho nhau trước sự chứng kiến của bà con hai bên.

 

 

 

            Tuy nhiên, đối với gia đình theo đạo Công Giáo thì ở giai đoạn này sẽ có khác biệt một chút là phải cử hành các nghi thức Tạ Ơn Thiên Chúa, Kính Nhớ Tổ Tiên, Lễ Mừng Cha Mẹ mà để chi tiết hơn thì bạn nên xem thêm bài viết riêng sau đây.

 

 

 

               1.6 Thực hiện Lễ Gia Tiên Nhà Gái

            Sau khi làm lễ gia tiên xong và trao bông, nhẫn cưới cho nhau ổn thỏa. Vị Chủ Hôn tuyên bố cả hai đã là Vợ – Chồng của nhau trước mặt gia đình hai bên, mọi người cùng vỗ tay chúc mừng cho đôi trẻ. Kế đến, cặp đôi tự tay sửa soạn lễ vật để dâng lên tổ tiên, như lấy dăm lá trầu, vài đôi cau, chia những lễ vật khác ra đĩa nhỏ, mỗi thứ chỉ cần một ít để tượng trưng rồi dâng lên bàn thờ gia tiên.

 

 

           Toàn bộ quá trình này theo phong tục đều thực hiện bằng tay, không động đến dao kéo. Sau đó, cả hai cùng thắp nhang, đứng trước bàn thờ gia tiên, đọc lời khấn xong thì bái lạy, nhưng người trẻ bây giờ ít ai biết đến những lời khẩn này, nên cũng do vị Chủ Hôn khấn giúp.

 

 

          Nhiều gia đình Miền Nam hiện nay còn giữ lại truyền thống của Lễ Thượng Đăng hay còn gọi là Lễ Lên Đèn. Để thực hiện lễ này, cặp đôi sẽ đốt đôi nến dâng lên bàn thờ trước khi thắp nhang, đôi nến này do Nhà Trai mang theo trong bộ sính lễ, Nhà Gái chỉ cần chuẩn bị sẵn một đôi chân đèn. Thân nền có màu đỏ bên trên chạm hình Long – Phượng, khi thắp nến cả hai phải làm cùng nhau, cho nến cháy đều như nhau, dâng lên bàn thờ cùng lúc.

 

          Đối với những người thuộc thế hệ trước, nghi thức Lễ Thượng Đăng rất thiêng liêng, Cô Dâu nước mắt lưng tròng, xúc động khi đứng trước bàn thờ Ông Bà tổ tiên của dòng họ. Tuy nhiên, ngày nay Lễ Thượng Đăng đã không còn giữ đúng như xưa nữa, nhiều gia đình đã bỏ qua nghi lễ này hoặc nếu có tổ chức thì đa phần là đôi đèn cầy sẽ được Cha hoặc người đại diện của dòng họ đốt lên sẵn.

 

         Đối với khoản tiền Lễ Đen hay còn gọi là Tiền Nạp Tài do Nhà Trai mang đến, sau khi Nhà Gái đã nhận tượng trưng. Nếu có ý cho lại hai con để làm vốn xây dựng gia đình, liền cử một người đại diện nói đôi lời trước hai họ, rồi trao lại cho hai vợ chồng ngay trong buổi lễ. Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim cũng có bài viết riêng về Tiền Nạp Tài hay nói chính xác hơn là nghi thức Lễ Nạp Tài hai bạn thử tìm hiểu ở ngay dưới đây nhé! 

Lễ Nạp Tài Là Gì Nên Chuẩn Bị Sính Lễ Bao Nhiêu Là Hợp Lý?

 

 

            Trình tự Lễ Gia Tiên ở trên đã là khá đầy đủ và chi tiết phù hợp với truyền thống cưới hỏi hiện đại ngày nay. Nhưng Đối với hai bạn bên Đạo Công giáo thì nghi thức Lễ Gia Tiên có một chút khác biệt nhỏ. Sẽ có thêm những nghi thức nhằm bày tỏ lòng kính trọng, niềm tin với Thiên Chúa và lòng biết ơn, hiếu thảo với Ông Bà, Cha Mẹ.  Các bạn cùng mình tìm hiểu trình tự Lễ Gia Tiên theo nghi thức Công Giáo sẽ được thực hiện ra sao nhé qua bài viết sau đây nhé !  

 

Lễ Gia Tiên Công Giáo Nên Thực Hiện Theo Trình Tự Như Thế Nào Là Chuẩn?

 

 

 

              1.7 Lễ Dâng Trà cho bậc trưởng bối

 

          Nghi thức tiếp theo mà cả hai sẽ cùng nhau làm trên danh nghĩa vừa được xác nhận đó là dâng trà, hoặc rượu lễ cho những bậc trưởng bối. Mới đầu sẽ là dâng trà cho Ông Bà rồi đến Cha Mẹ hai bên, kể đến nữa là những người có vai về lớn hơn của cặp đôi như Cô, Dì, Cậu Mợ, các anh, các chị... Lễ Dâng Trà ở Nhà Gái thường ưu tiên cho những người thuộc họ Nhà Gái bởi ý nghĩa đầu tiên đó là đón mừng chàng rể mới, ý nghĩa sau nữa là lời chào tạm biệt của Cô Dâu với những người trong gia đình để từ hôm nay đi về làm dâu bên chồng.

 

 

 

         Cứ mỗi lần dâng trà, cặp đôi lại đón nhận lời chúc mừng hạnh phúc từ bậc trưởng bối, kèm theo là quà mừng cưới, thường là tiền mặt để trong phong bao đỏ hoặc hiện kim, vàng bạc nữ trang. Ngày trước, gia đình cho quà tới đâu thì ông chủ Hôn Nhà Gái sẽ đọc tên món quà, trị giá món quà thật to để tất cả mọi người cùng được biết. Đây vừa là cách để Nhà Gái thể hiện tình cảm với con cháu, vừa là hình thức thông báo với nhà trai, bởi cho quà càng giá trị thì càng quý, càng thể hiện tình cảm đối với hai vợ chồng son.

 

 

 

            1.8 Nhà Trai tiến hành Lễ Rước Dâu

         Hai bên gia đình sẽ cùng giao lưu trà nước, trò chuyện chờ tới giờ lành để tiếp tục tiến hành lễ rước dâu. Trong lúc đó, cặp đôi có thể ra ngoài cổng hoa chụp ảnh kỹ niệm cùng người thân, bạn bè, đồng thời Nhà Gái tiến hành chia quả ở phía sau bếp để chuẩn bị “lại quả” cho nhà trai.

 

 

        Trước khi rước dâu đi, cặp đôi sẽ đứng phía trước cổng hoa, hai bên là dàn bưng quả nam – nữ, bên nữ nghe hiệu lệnh liền bước tới để “trả quả”, bên nam cùng đồng thời bước tới đón nhận. Tùy theo từng cặp đôi mà hai đội bưng quả sẽ lùi về để tạo thành lối đi cho Cô Dâu Chú Rễ bước qua, hoặc họ cùng nhau dâng quả lên cao nhằm tạo ra một lối đi ở dưới để Cô Dâu Chú Rể bước qua.

 

 

        Ngay lúc này pháo kim tuyến sẽ được bắn lên, những cánh hoa giấy rơi xuống tạo nên một hình ảnh lãng mạn và đẹp mắt. Cô Dâu khoác tay Chú Rể cùng bước lên xe hoa đang chờ sẵn. Như vậy là đã hoàn thành xong trình tự của Lễ Rước Dâu.

Để Lễ Rước Dâu tại Nhà Gái được diễn ra ổn thỏa và suôn sẽ, gia đình Cô Dâu chắc chắn phải chuẩn bị chu đáo mọi thứ từ rất sớm. Vậy! Thứ tự các công việc phải chuẩn bị từ trước là gì và phải chuẩn bị ổn thỏa trước bao lâu. Cô Dâu cùng mình khảo bài viết dưới đây để buổi Lễ được chu đáo nhất nhé!   

Lễ Vu Quy nhà gái nên chuẩn bị gì để đám cưới thêm phần hoàn hảo? 

 

 

 

 

                2.   Trình tự Lễ Cưới ở Nhà Trai (Lễ Tân Hôn)

 

         Lễ Cưới tại Nhà Trai hay còn gọi là Lễ Tân Hôn, là quá trình hai bên gia đình thực hiện các thủ tục nghi lễ sau khi đã đưa Cô Dâu về tới trước cổng nhà chồng. Hai bạn có thể đọc thêm bài Lễ Tân Hôn nhà trai nên cần chuẩn bị gì để đám cưới thêm phần hoàn hảo? Để có sự chuẩn bị chu đáo hơn nhé !

 

 

 

              2.1 Nhà Trai thực hiện Lễ Đón Dâu

          Lễ Đón Dâu tại Nhà Trai được bắt đầu từ khi xe hoa đưa dâu về đến Nhà Trai, thường sẽ đậu trước cổng Nhà Trai một đoạn khoảng 100m – 200m. Cặp đôi sẽ bước xuống xe hoa, kiểm tra lại y phục chỉnh tề trong lúc chờ đến giờ hoàng đạo, đúng giờ Cô Dâu sẽ được Mẹ Chồng dắt tay đi trước, Chú Rể theo sau cùng bước vào nhà chồng. Nghi thức này gọi là “nhập trạch”.

 

 

          Nhà Trai nên có sắp đặt từ trước, khi Cô Dâu mới vừa bước xuống xe là có pháo kim tuyến chào đón. Tạo nên một hình ảnh đẹp cho khoảnh khắc Cô Dâu về nhà chồng. Theo phong tục người xưa, Mẹ Chồng không theo đoàn Nhà Trai đi đón dâu mà ở nhà chờ con dâu về, nên Lễ Đón Dâu thời trước mang nhiều ý nghĩa hơn.

   

 

         Thời nay, Mẹ Chồng cũng qua Nhà Gái để cùng đưa con dâu về nên nghi thức đón dâu được giản lược không còn rườm rà như trước, thậm chí nhiều gia đình cập rập và không có người hướng dẫn thì Chú Rể với Cô Dâu tự dắt tay nhau vô nhà luôn.

 

 

            2.2 Cô Dâu trình diện Nhà Trai

 

           Không phải thành viên nào bên Nhà Trai cũng tham gia đón dâu, sẽ có nhiều người ở nhà chờ Cô Dâu về, một phần cũng còn do tuổi cao, sức khỏe yếu không tiện di chuyển đường xa. Nên khi họ hàng hai bên vừa ổn định chỗ ngồi, Cô Dâu cúi chào bà con bên Nhà Trai, rồi cả hai đứng sang một bên chờ vị Chủ Hôn hướng dẫn cụ thể. Trong lúc này, những người bên Nhà Trai có vai vế lớn mà không đi đón dâu sẽ được giới thiệu lần lượt để họ Nhà Gái biết mặt, biết tên.

 

 

 

            2.3 Lễ Gia Tiên tại Nhà Trai
 

 

          Khi phần làm quen, chào hỏi đã xong. Hai gia đình bắt đầu tiến hành thực hiện các nghi thức Lễ Gia Tiên tại nhà trai, cặp đôi sẽ thắp nhang trước bàn thờ gia tiên, khẩn cầu và bái lạy, nội dung lời khẩn là để báo cáo với Ông Bà tổ tiên của dòng họ Nhà Trai, hôm nay đã đón con dâu về nhà, mong ông bà đón nhận, phù hộ cho hai vợ chồng sức khỏe, hạnh phúc.

 

 

                       Đó là nghi thức tại nhà trai thường thấy nhất hiện nay, còn gia đình nào đầy đủ thủ tục hơn thì sẽ tiến hành Lễ Tơ Hồng.

 

 

 

          Lễ Tơ Hồng hay là lễ khẩn Nguyệt Lão, được xem là biểu tượng của thần Hôn Nhân theo tín ngưỡng của dân gian thời xưa. Để thực hiện Lễ Tơ Hồng, cặp đôi sẽ quỳ trước bàn thờ, nghe Chủ Hôn đọc một bài văn tế, nội dung là cảm ơn Nguyệt Lão đã se duyên cho đôi lứa, xin ngài phù hộ bình an, sức khỏe, hạnh phúc. Sau bài tế, cả hai sẽ uống chung một ly rượu, ăn chung một miếng trầu, nếu có những đồ lễ trên bàn thờ Nguyệt Lão thì cả hai cũng cùng ăn, hành động này mang ý nghĩa vợ chồng sẽ cùng nhau chia ngọt, sẽ bùi, trong cuộc sống.

 

 

            2.4 Lễ Dâng Trà cho bậc trưởng bối

 

        Tương tự giống như Lễ Dâng Trà đã thực hiện bên phía Nhà Gái, Cô Dâu mới về nhà chồng sẽ cùng chồng rót trà, hoặc rượu lễ để mời hay gọi là ra mắt với các Ông các Bà, những người bà con có vai vế lớn bên phía Nhà Trai. Cặp đôi cũng sẽ nhận được lời chúc và quà mừng cưới từ người nhà trai sau mỗi lần dâng trà.

 

 

       Tuy nhiên, với lối sống ở thành thị hiện nay, một phần là không gian nhà chật hẹp, một phần để bớt các thủ tục rườm rà thì gia đình cho phép cặp đôi đứng tại chỗ trước bàn thờ gia tiên. Những ai muốn cho quà cưới thì bước lên, nói một lời chúc rồi tặng quà và chụp chung một bức hình kỹ niệm, việc dâng trà, rượu cũng được bỏ qua vì không phải ai cũng uống được, nhất là phụ nữ và người lớn tuổi.

 

 

 

           2.5 Cô Dâu Chú Rể thăm phòng cưới

 

 

        Khi đã hoàn thành các thủ tục lễ nghi xong xuôi, trong lúc hai gia đình ngồi chuyện trò, uống nước thì Mẹ Chồng đưa cả hai vợ chồng vào thăm phòng cưới, tuy nhiên ngày nay, đôi khi chỉ có cặp đôi tự dắt nhau vào thăm phòng cưới mà không cần Mẹ Chồng phải đi cùng nữa. Cả hai sẽ vào nghỉ ngơi một chút trong căn phòng đã được trang trí đẹp mắt, có thể ăn uống một chút cho lại sức, chụp một số ảnh kỹ niệm cùng nhau rồi ra chào khách, nhiều Cô Dâu sẽ tranh thủ thời gian này để thay trang phục mới cho gọn nhẹ hơn.

 

 

        Việc thăm phòng cưới có nguồn gốc từ phong tục trải giường cưới ngày xưa, nghĩa là vào hôm trước lễ rước dâu, Nhà Trai sẽ nhờ một người phụ nữ hiền lành, gia đình êm ấm thuận hòa đến để trải giường chiếu mới cho cặp đôi như một cách “lấy hên”. Tục trải giường chiếu thể hiện niềm mong ước của gia đình dành cho hai vợ chồng, mong cho họ cũng có một cuộc sống hạnh phúc, con cái đề huề, trưởng thành về sau.

            Như vậy về thủ tục Rước Dâu của Nhà Trai đã hoàn thành rồi !  Mọi thứ đều suôn sẽ, hai bên gia vui vẻ, để có được một buổi Lẽ Rước Dâu thành công như vậy các kế hoạch chuẩn bị từ trước phải đảm bảo đầy đủ và ổn thỏa đầy đủ. Nếu Chú Rể và gia đình có chung thắc mắc trước khi diễn ra buổi Lễ Rước Dâu chu đáo được như trên thì gia đình nên có kế hoạch chuẩn bị và thực hiện như thế nào thì cùng mình đến với bài viết dưới đây nhé !  

Lễ Tân Hôn Nhà Trai Nên Chuẩn Bị Gì Để Đám Cưới Thêm Hoàn Hảo?

 

 

 

         Qua bài viết trên, Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim Biên Hòa phần nào đã giải thích gần như toàn bộ những thắc mắc quan trọng về: Quy Trình Rước Dâu Chi Tiết Theo Phong Tục Truyền Thống Việt Nam.

          Với mong muốn đem lại cho hai vợ chồng sắp cưới có thêm được nhiều thông tin hữu ích, đem lại một bài viết thực sự có giá trị có thể áp dụng được trong hầu hết trong các đám cưới hiện đại ngày nay. Hy vọng sẽ có thể giảm bớt một chút bối rối và áp lực khi mà đám cưới đã cận kề. Hơn hết, Chúc hai bạn hạnh phúc viên mãn và tổ chức được một đám cưới như ý.

Nhà Hàng Tiệc Cưới Hoàng Kim Biên Hòa

 

Tin tức khác